Tháng 6 năm 2012, Liên hợp quốc đã tuyên bố chọn ngày 20 tháng 3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết ủng hộ ngày này bằng các lỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.
Ngày hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Bhutan, một vương quốc bé nhỏ ở khu vực Nam Á, nằm sâu trong lục địa miền đông Himalayas, vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 do Liên hợp quốc phát động, ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hàng năm"nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc.
Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng và xã hội
Gia đình với tư cách là một tế bào của xã hội cần phải thực hiện tốt chức năng giáo dục, xã hội hóa các thành viên trong gia đình mình, xây dựng thiết chế, những giá trị đạo đức và truyền thống của từng gia đình. Chỉ khi trong gia đình bố mẹ yêu thương con, con kính trọng và thương yêu bố mẹ, biết giúp đỡ mọi người; chỉ khi trong gia đình mọi người sống vì nhau, đoàn kết thương yêu lẫn nhau, thì lúc đó mối quan hệ giữa các thành viên mới bền chặt, những mầm mống của tệ nạn xã hội mới không nảy sinh và phát triển được.
Giáo dục gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người, đặc biệt là trẻ em. Những trẻ em không được giáo dục toàn diện trong gia đình sẽ dễ dàng bị lôi kéo vào con đường phạm tội và tệ nạn xã hội. Trong những gia đình, những người lớn như cha mẹ, ông bà không gương mẫu, có những hành vi phi pháp sẽ là môi trường tiêm nhiễm dẫn đến phạm tội và tệ nạn xã hội cho trẻ em.
Để Ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp, chúng ta hãy cùng nhau chung sức, chung lòng, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm tới các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Hãy cùng nhau kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam. Hãy yêu thương và sẻ chia để tìm thấy cho mình và giúp những người quanh ta, trước hết là gia đình, là những người thân có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực!