Thời gian qua trên địa bàn phường thường xuyên diễn ra tình trạng chó thả rông, chó không đeo rọ mõm khi ra ngoài đường, để chó phóng uế nơi công cộng gây mất trật tự mỹ quan, ô nhiễm môi trường và chưa tiêm ngừa gây nguy hiểm cho người dân trên địa bàn phường Tân Phong. Đây cũng là một trong vấn đề nổi cộm được người dân trên địa bàn phường phản ánh trên Phần mềm Phản ánh hiện trường thành phố Lai Châu và các cuộc họp tiếp xúc cử tri.
Xác định đây là vấn đề gây bức xúc của người dân trên địa bàn, đồng thời nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại và tăng cường công tác quản lý đàn chó nuôi để thực hiện tốt công tác tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, hạn chế tối đa bệnh dại do chó gây ra để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người. Cấp ủy, chính quyền phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện việc xử lý các trường hợp gia xúc thả rông trên địa bàn phường. UBND phường Tân Phong đã thành lập đội bắt chó thả rông theo quy định để xử lý theo đúng quy định của pháp luật và tổ chức ra quân hàng tuần.
TRIỂN KHAI THẬN TRỌNG NHẰM NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI NUÔI VÀ CÓ ĐƯỢC SỰ ĐỒNG THUẬN TRONG NHÂN DÂN
Một là, tập trung tuyên truyền sâu rộng các quy định của Luật Thú y năm 2015; Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; Thông tư 07/2016/TT-BNN-PTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và các văn bản khác có liên quan.
Hai là, tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ đàn chó và lập sổ theo dõi biến động (tăng, giảm) đàn chó do các hộ đang nuôi trên địa bàn phường.
Ba là, triển khai ký cam kết đối với các trường hợp hộ dân nuôi chó chưa ký cam kết tổ chức tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi theo đúng quy định và không thả rông chó ra đường, nơi công cộng, nếu đưa chó ra đường, nơi công cộng phải có xích và rọ mõm và có người dắt, giữ chó, không để phóng uế bừa bãi.
Bốn là, thành lập đội bắt chó thả rông, không tiêm phòng dại theo quy định để xử lý theo đúng quy định của pháp luật (theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y).
Trong năm 2023 đã lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 trường hợp thả rông gia súc.
Công tác bắt và xử lý gồm nhiều công đoạn như: ra quân bắt chó thả rông, nuôi nhốt 48 tiếng, xử phạt vi phạm hành chính, bàn giao trả chó cho người nuôi chó nếu đến nhận.
Với số lượng chó bắt được, UBND phường Tân Phong sẽ đưa đến địa điểm tạm giữ của phường, đồng thời thông báo cho chủ vật nuôi đến trụ sở UBND phường làm việc. Sau 48 giờ không có chủ vật nuôi đến nhận sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, UBND phường Tân Phong đã tuyên truyển, phổ biến các quy định của Luật Thú y cũng như quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, đồng thời yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết nuôi chó, mèo trong khuôn viên của gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cho khu dân cư; chấp hành tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo của gia đình, khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó và có người dắt, quản lý không để phóng uế bừa bãi.
Theo Kế hoạch, UBND phường Tân Phong tiếp tục thực hiện việc bắt chó thả rông nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý chó nuôi, phòng chống bệnh dại và hạn chế tối đa việc thả rông chó ra đường, nơi công cộng, góp phần xây dựng phường Tân Phong ngày càng văn minh, an toàn.
VẬY CHỦ NUÔI CHÓ, MÈO CẦN LÀM GÌ ĐỂ CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI THÚ NUÔI VÀ XÃ HỘI?
Theo Quy định về quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh Dại, đối với chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi) cần phải:
a) Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư;
b) Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;
c) Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;
d) Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định;
đ) Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới UBND phường sẽ tiếp tục hoạt động bắt chó mèo thả rông, cho đến khi tình hình được cải thiện, ý thức người dân được nâng cao.
Tin ảnh: Hoàng Mạnh